Mục Lục Nội Dung
Cao Bằng là một tỉnh nằm ở vùng Đông Bắc Bộ, là địa bàn sinh sống chủ yếu của dân tộc Tày, nên ẩm thực ở nơi đây mang đậm dấu ấn của người Tày.
Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu cho các bạn 10 món ngon và có thể nói đây là những món ăn đặc sắc nhất mà bạn nên thử khi đến với Cao Bằng. Nếu có cơ hội đến với vùng đất này thì bạn đừng bỏ lỡ những món ăn đặc sản này nhé.
#1. Bánh trứng kiến
Nghe tên đã thấy rất thú vị rồi phải không các bạn 🙂 nhân bánh này được làm từ trứng kiến. Trứng kiến ở đây là trứng non, được làm cùng với bột nếp nương và phần lá non của cây vả để bọc (gói) ở bên ngoài.
Nguyên liệu và các công đoạn để hoàn thành món BÁNH TRỨNG KIẾN không quá cầu kì nhưng đòi hỏi người làm bánh phải có sự khéo léo và tinh tế nhất định.
Trứng kiến sau khi lấy ở tổ về thì được phi với hành khô thơm, có thể thêm thịt lợn băm mịn, lạc rang giã nhỏ và chút lá kiệu thái nhỏ để phần nhân được thơm ngon hơn. Phần bánh được làm từ gạo nếp nương, một loại gạo rất ngon, to và dẻo.
Gạo được đãi sạch rồi ngâm với nước lạnh qua đêm rồi để ráo nước, xay thành bột và nhào nặn cùng với nước để bột thật dẻo, mịn và thái thành những miếng to hình vuông.
Sau đó cho một miếng bột nếp đó vào chiếc lá vả, rắc phần nhân lên rồi cho một miếng bột nữa đè lên, cuối cùng gói bánh lại và hấp cách thủy khoảng 45 – 50 phút là được.
Khi ăn, bạn hãy bóc lớp vỏ bên ngoài ra và cắt thành những miếng nhỏ vừa đủ ăn. Bánh trứng kiến có vị rất đặc trưng nhờ mùi thơm nồng nàn của lá vả, phần bánh thì dẻo và thơm ngậy mùi trứng kiến. Đến Cao Bằng mà không ăn bánh trứng kiến thì đúng là quá phí ᵔᴥᵔ
#2. Xôi trám đen
Xôi trám là một đặc sản của núi rừng, sở hữu vị thơm dịu của nếp nương hòa với mùi thơm ngai ngái của trám rừng, xôi trám đã chinh phục được hầu hết thực khách khi thưởng thức.
Cách làm xôi trám đen không quá cầu kì đâu các bạn: Đầu tiên thì trám tươi sẽ được cho vào nồi => sau đó đổ ngập quá nửa nước, rồi đun nhỏ lửa. Đun cho đến khi nóng già thì tắt bếp để ủ, lúc này trám sẽ chín từ từ, tinh dầu trám sẽ tan vào nước và trám bở dần ra.
Quả trám sẽ được lọc hột. Phần xôi được làm từ nếp nương, ngâm gạo vào nước chừng 3 tiếng, sau đó vo lại cho sạch, xóc gạo với chút muối hạt.
Tiếp đến là xôi xôi, đun nước trong chõ đến khi sôi thì đổ gạo vào, xếp trám lên trên cùng. Hấp cách thủy khoảng 30 phút là được, rắc thêm chút mỡ thăn rồi dùng đũa đánh đều cho trám và sôi quyện vào nhau.
Sau khi hoàn thành, xôi có màu tím khá bắt mắt. Xôi trám đen ngon hơn khi ăn cùng muối vừng đen, lạp xưởng Cao Bằng hay đơn giản là đường. Xôi trám vừa dẻo vừa thơm, hòa với hương thơm của trám sẽ tạo nên một mùi vị rất dễ chịu và khó quên dù chỉ thưởng thức một lần.
#3. Bánh chè lam
Bánh chè lam là một món ăn quen thuộc, và là một đặc sản của người miền Bắc nói chung và Cao Bằng nói riêng. Bánh chè lam làm theo cách truyền thống mới đúng vị, tuy nhiên cần chút cầu kì.
Nguyên liệu để làm chè lam là đường mật, đường nâu, mạch nha, bột nếp, gừng tươi, lạc rang, muối.
Trước tiên là làm bột chè lam: bột nếp được rang trên chảo nóng, đun nhỏ lửa đến khi bột có mùi thơm thì tắt bếp, để nguội và đem đi xay nhuyễn.
Tiếp đến là nấu nước đường: đường, đường nâu và mạch nha trộn đều với nhau rồi đun trên chảo nóng nhưng nhỏ lửa, khuấy đều và nhanh tay.
Đun được một lúc thì gừng thái nhỏ và lạc rang cũng được thêm vào hỗn hợp, sau khi đường tan hết thì cho bột gạo nếp vào đảo đều để bột quyện với đường đến khi hỗn hợp đặc quánh lại.
Bước cuối cùng là rải một lớp bột nếp làm áo cho chè lam, ngay khi chè còn nóng thì đổ ra và dàn đều, rồi thêm một lớp bột làm áo nữa là hoàn thành.
Khi ăn, chè lam thường được cắt thành những miếng hình chữ nhật cho dễ ăn. Chè lam thưởng thức cùng với nước chè nữa thì đúng bài luôn 🙂
Chè lam có sự kết hợp hài hòa của đường với bột gạo nếp, gừng, lạc rang tạo nên một món đặc sản nổi tiếng, rất đáng để thử một lần.
#4. Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp là một đặc sản đặc trưng cho ẩm thực miền núi Bắc Bộ. Món ăn này có hương vị thơm ngon, dai dai, ngọt ngọt, cay cay nhờ sự kết hợp hài hòa giữa các gia vị nên món này rất được ưa chuộng.
Nguyên liệu để tạo nên món ngon nức tiếng này thì cũng tương đối đơn giản: thịt trâu, hạt mắc khê và các gia vị quen thuộc như: muối, sả, gừng, ớt, đường, tỏi.
Hỗn hợp gia vị để ướp cho thịt trâu là ớt khô được phi thơm rồi cho vào cối cùng với tỏi, gừng, sả, mắc kiên, muối, đường rồi giã nhuyễn và trộn đều thành hỗn hợp hơi sệt.
Thịt trâu được ướp với hỗn hợp gia vị, cho thêm ít muối, đường và bột ngọt để ướp khoảng 1 cho đến 2 tiếng để thịt trâu ngấm đều gia vị.
Tiếp theo là gác thịt trâu trên bếp hun khói nhờ que tre, đến khi thịt thật khô là hoàn thành món thịt trâu gác bếp rồi.
Làm thịt trâu khá đơn giản nhưng cần nhiều thời gian và đòi hỏi sự kiên nhẫn của người làm. Thịt trâu gác bếp được xé thành sợi nhỏ vừa ăn, ăn cùng nước cốt chanh sẽ rất tuyệt.
Cái này ông nào hay nhậu, uống bia thì sẽ hiểu hơn ai hết. Uống rất tốt bia 🙂
Thịt trâu gác bếp có vị ngọt của thịt trâu, hương thơm của các gia vị cũng như hạt mắc kén, kết hợp với chút chua chua của chanh nữa.. những gia vị này hòa quyện vào nhau và sẽ chinh phục được khẩu vị của mọi thực khách, dù là khó tính nhất.
#5. Phở chua Cao Bằng
Phở chua là món ăn đặc sản ngon nức tiếng ở Cao Bằng. Nói đến phở chua thì ở một số tỉnh khác cũng có (như Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai…) nhưng ngon nhất có lẽ vẫn là phở chua Cao Bằng.
Điều làm nên sự khác biệt của phở chua Cao Bằng là phần nguyên liệu khác với phở chua ở các tỉnh khác: thịt ba chỉ, gan, dạy dày lợn, thịt lợn quay… và điểm nhấn là nước dùng chua ngọt đậm đà.
Trước tiên, gan lợn được thái lát mỏng và rán vàng lên. Dạ dày lợn thì được luộc qua, rồi cũng rán lên cho đến khi chuyển màu vàng, thịt ba chỉ cũng được quay giòn.
Vịt thì được tẩm ướp gia vị trong khoảng 30 phút rồi cho vào quay, phần nước trong bụng vịt được pha với giấm, tỏi, đường để làm nước chấm.
Cuối cùng là cho bánh phở vào tô, sau đó cho gan, cho dạ dày, thịt rán và thịt vịt quay lên trên, thêm chút rau thơm rồi chan phần nước chấm lên là thưởng thức được rồi.
Khi ăn, bạn có thể cho thêm măng, ớt tể tăng vị cay cho phở. Món ăn này đem lại vị ngọt ngọt, chua chua, cay cay thật sự hấp dẫn mọi thực khách sành ăn.
Đến với Cao Bằng thì hãy nhớ đến món phở chua này nhé các bạn, không thưởng thức món phở chua thì thật sự phí chuyến đi đấy ^^
#6. Vịt quay 7 vị
Vịt quay thì ở đâu cũng có, nhưng nói đến đặc sản vịt quay là phải nhắc đến vịt quay 7 vị ở Cao Bằng. Món vịt quay ở đây có vị rất khác so với tất cả món vịt quay ở bất cứ đâu, mang một nét rất đặc trưng bởi 7 vị rõ rệt.
Món vịt quay 7 vị Cao Bằng khá cầu kì trong cách chế biến. Vịt sau khi được sơ chế, làm sạch thì nhúng qua nước sôi cho lớp da bên ngoài săn lại.
Công đoạn khó nhất để cho ra món vịt quay 7 vị thơm ngon nức tiếng là công đoạn tẩm ướp gia vị. 7 vị ướp trong vịt được lấy từ nguyên liệu nào thì chỉ có những người dân tộc Tày mới biết được, đó là bí quyết gia truyền nên không share được ◔◡◔
Về cơ bản thì mắm, muối hòa cùng thứ nước 7 vị được rót từ từ vào trong bụng vịt, sau đó dùng lạt tre để khâu bụng vịt lại. Tiếp đến, vịt lại được nhúng vào nước sôi, rồi rưới đều một lớp mật ong khắp bề mặt ngoài của da.
Vịt được nướng trên than hoa, vừa dùng tay quạt vừa xoay đều vịt để vịt chín đều, chín vàng óng các mặt rồi chặt, bày ra đĩa, rồi thưởng thức.
Vịt quay 7 vị có thể thưởng thức cùng các loại rau thơm, bánh tráng để thêm sự hấp dẫn của món ăn. Thịt vịt có 7 vị đặc trưng được làm từ các loại lá và rễ cây trong rừng, thật sự thì mùi vị của vịt quay 7 vị rất đặc biệt, ăn một lần là khó có thể quên được.
Thịt vịt mềm, ngọt, phần da có chút dai dai kết hợp với hương vị đặc trưng của nó và phần nước chấm đậm đà được lấy ra từ trong bụng vịt sau khi quay, tất cả tạo nên một món ngon vô cùng thơm ngon khiến mọi thực khách dù là khó tính nhất cũng phải cảm thán, thèm thuồng.
#7. Nằm khau (Nằm khâu)
Nằm khau, hay còn được biết đến với cái tên “khâu nhục”, là món ăn truyền thống của người dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng.
Món ăn này cũng đã xuất hiện ở một số tỉnh thành khác ở Việt Nam, và mỗi nơi lại có một cách chế biến khác nhau, nhưng món Nằm khau ở Cao Bằng mang đậm nét riêng trong ẩm thực của người miền núi.
Nằm khau được chế biến khá cầu kì và mất nhiều thời gian, vậy nên nó đòi hỏi ở người làm món ăn này sự tỉ mỉ và nhẫn nại.
Nguyên liệu tạo nên món Nằm khau gồm: thịt ba chỉ, rượu, giấm, bột ngọt, húng lìu, ngũ vị hương, tỏi, ớt, hạt tiêu…
Thịt được luộc khoảng 30 phút cho miếng thịt săn lại, rồi lấy vật nhọn xiên phần bì và xoa đều một lượt dấm hoặc nước cốt chanh lên bề mặt cho thấm đều.
Thịt được ướp với nước mắm, muối, bột ngọt trong khoảng 30 phút cho ngấm đều, rồi rán trong chảo mỡ sôi đến khi phần bì bên ngoài chín vàng, nở phồng, giòn xốp thì vớt thịt ra, để nguội và ráo mỡ rồi thái thịt.
Tiếp theo là rán khoai môn hoặc khoai lang cho đến khi chín vàng và giòn là được.
Gia vị để ướp thịt khá cầu kì: hành, tỏi, gừng, húng lìu băm nhuyễn, mắc mật khô giã nhỏ, tương hạt, đường, hạt tiêu, dầu hào, ngũ vị hương, chút rượu trắng. Thịt ướp khoảng 15 phút là ngấm.
Thịt được hấp cách thủy khoảng 3 – 4 giờ cho đến khi thịt chín nhừ. Khi lấy ra, mùi thơm ngào ngạt tỏa ra rất kích thích vị giác.
Nằm khau có màu vàng rất bắt mắt, khi ăn cho thêm một số loại rau thơm ăn kèm càng ngon hơn nữa. Nằm khau đã khẳng định được hương vị và tính truyền thống của nó khi mà dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng đều dùng món này trong đám cưới.
Đến với Cao Bằng và thưởng thức nằm khai sẽ khiến bạn nhớ mãi món ăn cũng như vùng đất này. Ăn món này với cơm thì tốn phải biết 🙂
#8. Bánh khảo
Bánh khảo là món ăn quen thuộc ở các tỉnh miền Bắc. Bánh khảo truyền thống là phần nhân làm từ đậu xanh, được dùng trong ngày Tết cổ truyền hay rằm tháng tám.
Nguyên liệu để làm bánh khảo là đậu xanh, nước hoa bưởi, nước chanh tươi, bột gạo nếp, đường cát trắng, nước lọc, mứt bí.
Đậu xanh ngâm trong nước từ 3 cho đến 4 tiếng, rồi nấu hoặc hấp chín và xay nhuyễn.
Tiếp theo, đường và đậu được cho vào để sên đến khi không còn dính tay nữa thì cho mứt bí vào và đảo thêm một chút nữa là được.
Bột gạo nếp được cho vào một chảo nóng và đảo đều tay đến khi bột dậy mùi thơm thì đổ ra âu lớn, đồng thời đun sôi đường với nước lọc để hỗn hợp ngả màu cánh sán, hơi sáng lại thì thêm nước cốt chanh và nước hoa bưởi vào khuấy đều.
Nước đường từ từ được đổ vào âu bột gạo nếp, trộn đều và người thợ làm bánh sẽ dùng tay nhào bột thật kĩ để các nguyên liệu hòa quyện vào nhau thành khối đồng nhất, công đoạn này đòi hỏi người thợ cần có tay nghề và kinh nghiệm.
Cuối cùng, bột được đổ vào nửa khuôn bánh, rồi đến nhân đậu xanh, rồi cuối cùng là thêm một lớp bột cho đầy khuôn và nén chặt lại, để khoảng 40 phút là hoàn thành.
Bánh khảo nhân đậu xanh có độ ngọt vừa phải, mùi thơm thoang thoảng, cắn một miếng to có cả phần bột bánh và phần nhân đậu xanh sẽ cảm nhận được vị ngon đặc trưng của nó.
Bánh khảo khi ăn sẽ hơi bị dính răng một chút nên khi ăn có thể uống chè xanh sẽ hấp dẫn hơn.
#9. Bánh áp chao
Bánh áp chao là một món ăn đặc sản của vùng đất Cao Bằng, người dân nơi đây còn gọi món này là bánh vịt chao vì điểm đặc biệt của món này là ở phần nhân thịt vịt.
Bánh áp chao được làm từ những nguyên liệu rất đơn giản và sẵn có: thịt vịt lọc xương, bột gạo, bột nếp, rau sống ăn kèm, nước ấm, dầu ăn và một số gia vị phụ gia khác.
Thịt vịt sau khi được lọc xương thì rửa sạch, cắt miếng nhỏ và ướp với gia vị, sau đó để trong ngăn mát tủ lạnh.
Trong khi chờ thịt ngấm gia vị, bột gạo, bột nếp và một chút bột nêm sẽ được trộn đều với nhau, hòa hỗn hợp với nước ấm và trộn đều thành hỗn hợp đặc sánh, rồi đêm đi ủ từ 3 đến 4 tiếng.
Sau đó, bột được cho vào muôi rồi đến thịt vịt và thêm một lớp bột nữa, cuối cùng cho vào chảo dầu nóng để chiên giòn và thưởng thức.
Với cách chế biến rất đơn giản nhưng bánh áp chao đã chinh phục được mọi thực khách bởi vị thơm ngon đặc biệt, khi mà vỏ ngoài giòn dai, ngọt thơm kết hợp với thịt vịt đã được tẩm ướp gia vị nên ăn rất đậm đà.
Khi ăn, bánh áp chao được cắt thành những miếng nhỏ hơn và ăn kèm với nước chấm tùy ý, có thể đơn giản là tương ớt, bên cạnh đó một số loại rau thơm cũng góp phần tăng sức hấp dẫn của bánh áp chao.
#10. Lạp sườn
Lạp sườn là một đặc sản nổi tiếng của vùng đất Cao Bằng và nó chiếm một vị trí quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của các gia đình nơi đây, khi mà nó được sử dụng thường xuyên và không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Nguyên liệu để làm nên món lạp sườn là thịt vai, lòng lợn, rượu trắng, rượu mai lộ quê và các loại gia vị quen thuộc như nước mắm, đường, muối và hạt tiêu…
Thịt sau khi được thái thành những miếng vừa đủ thì được băm hoặc xay nhuyễn và ướp cùng với một chút nước mắm, đường, một chút muối, hạt tiêu, hạt nêm, rượu mai lộ quế, sau đó để khoảng 30 phút cho ngấm đều gia vị.
Thịt sau khi tẩm gia vị được nhồi vào lòng non và cắt ra thành những đoạn ngắn, rồi đem đi sấy khô bằng cách phơi khoảng 3 nắng, cuối cùng mới gác bếp hoặc có thể sấy khô lạp sườn bằng than củi.
Cách chế biến thực sự đơn giản nhưng lạp sườn ở Cao Bằng đã đem lại cho thực khách một hương vị thơm ngon tuyệt vời, đậm đà, thịt săn lại giòn giòn, ăn mãi không thấy ngán.
Nếu có cơ hội đến với Cao Bằng thì đừng ngần ngại thưởng thức món lạp sườn này nhé, mua về làm quà cũng là một ý tưởng tuyệt vời đó các bạn. Bạn sẽ cảm nhận được hương vị của truyền thống được gửi gắm trong món ăn này.
#11. Lời kết
Vâng, trên đây là TOP 10 món ăn ngon nhất ở Cao Bằng mà các bạn nên thưởng thức khi có dịp đến đây, tất cả đều rất thơm ngon và hấp dẫn.
Nếu bạn thích bài viết này thì đừng ngần ngại đánh giá 5 sao cho bài viết và chia sẻ nó cho bạn bè và người thân của bạn nhé 🙂
Đọc thêm:
CTV: Đào Nguyễn – Blogchiasekienthuc.com
Note: Bài viết này hữu ích với bạn chứ? Đừng quên đánh giá bài viết, like và chia sẻ cho bạn bè và người thân của bạn nhé !
Xem Them Chi Tiet
Nhung Mon Do Cong Nghe Duoc Yeu Thich
Do Cong Nghe Phu Kien
Xem Them Chi Tiet
Phu nu phai dep dan ong moi yeu! Sam ngay bo vay dam sieu dep
Thanh xuan nhu mot tach trá Khong mua do hot phi hoai thanh xuan
0 Comments:
Đăng nhận xét